Ngữ văn THPT: Dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu mới nhất 2023

Bạn đang xem bài viết Dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu. Hi vọng sẽ là đáp án bạn ưng ý. Cùng theo dõi nhé!

Thuyết minh về tác giả văn học là dạng bài đòi hỏi người viết cần phải hiểu chính xác về lịch sử, thời đại tác giả sống cùng các thông tin, những cống hiến của tác giả đó với đời, với nền văn học Việt Nam như thế nào. Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử toàn tài, ông vừa giỏi văn vừa giỏi võ. Bạn có thể tham khảo bài thuyết minh về Nguyễn Trãi sau đây để có thêm những thông tin hữu ích.

Thuyết minh về Nguyễn Trãi

Dàn ý thuyết minh về Nguyễn Trãi

Mở bài

Giới thiệu Nguyễn Trãi: Dựa vào một câu nói hay một đặc điểm đặc biệt nào đó của ông để thu hút sự chú ý của người đọc.

Thân bài

1. Cuộc đời và sự nghiệp

– Nguyễn Trãi (1380 –1442), hiệu là Ức Trai, là một nhà chính trị, nhà văn lớn.

– 1400: Nguyễn Trãi tham gia dự thi, thi đỗ Thái học sinh.

– 1400 – 1407: Làm quan cho nhà Hồ, chức Ngự sử đài chính chưởng.

– 1418: Tham gia khởi nghĩa Lam Sơn

– 1427 – 1438: Làm quan cho nhà Hậu Lê.

– 1438: Về ở ẩn ở Côn Sơn

– 1439: Lê Thái Tông mời ông ra làm quan trở lại.

– 1442: Nguyễn Trãi bị giết, bị tru di tam tộc trong vụ án “Lệ Chi Viên”

2. Tư tưởng và các tác phẩm:

– Tư tưởng chủ đạo trong các thi phẩm, bài chính luận là tư tưởng nhân nghĩa, lấy dân làm gốc, theo tư tưởng đạo Nho nhưng không gò bó, câu nệ tiểu tiết mà vô cùng khoáng đạt, rộng rãi.

– Các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Trãi còn lưu giữ: Ức Trai Thi Tập, Quốc Âm Thi Tập, Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập, Lam Sơn thực lục, cùng các bài chiếu, cáo khác hay bài về địa lí “Dư Địa Chí”,…

3. Nghệ thuật

– Về thơ của Nguyễn Trãi có ngôn từ giản dị, gần gũi, hình ảnh thơ giàu tính ước lệ.

– Về văn: luận điểm và kết cấu chặt chẽ, lập luận sắc bén.

– Năm 1980, Nguyễn Trãi được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hoá thế giới.

Kết bài

– Khái quát lại những đóng góp của nhà chính trị, nhà thơ Nguyễn Trãi.

Thuyết minh về Nguyễn Trãi – Mẫu 1

Tư tưởng lấy dân làm gốc của Bác Hồ đã làm nên bao chiến thắng của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tư tưởng đó trước đây cũng đã được một nhà chính trị tài ba, một nhà quân sự bậc thầy áp dụng từ thời phong kiến. Đó là ai? Đó là nhà quân sự kiệt xuất, nhà thơ và nhà văn lớn với nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian – Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380 tại  Chi Ngại (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương). Cha ông là Nguyễn Phi Khanh, một học trò nghèo, học giỏi, đỗ thái học sinh. Mẹ là Trần Thị Thái, con Trần Nguyên Đán, một quý tộc đời Trần. Cuộc đời của Nguyễn Trãi thuở nhỏ tưởng như trải qua nhung lụa nhưng thực tế rằng ông đã chịu nhiều mất mát đau thương, lúc vừa lên 5 tuổi thì mẹ ông bệnh mất, đến năm 10 tuổi thì ông ngoại tức Tư đồ Trần Nguyên Đán người có nhiều ảnh hưởng đến cuộc đời của ông cũng qua đời. Ông là người thông minh từ nhỏ, rất chịu khó học, năm hai mươi tuổi, năm 1400, ông đỗ Thái học sinh, và làm quan dưới triều Hồ với chức Ngự sử đài chính chưởng. Nhưng chưa được bao lâu thì vào năm 1407, nhà Minh mượn cớ nhà Hồ lên ngôi bất chính, dẫn quân sang xâm lược nước ta, nhà Hồ sụp đổ, bản thân Nguyễn Phi Khanh bị giặc áp giải về Trung Quốc. Nguyễn Trãi muốn đi theo cha để tận hiếu, thế nhưng cha ông đã khuyên ông nên ở lại tìm cách báo thù rửa nhục. Nghe lời cha khuyên, ông trở về, nhưng bị quân Minh bắt giữ. Sau đó, vào năm 1418, ông trốn thoát và tìm theo Lê Lợi, gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Ông trao cho Lê Lợi kế sách đánh đuổi quân Minh – Bình Ngô sách – kế sách lấy dân làm gốc “hiến mưu trước lớn không nói đến việc đánh thành, mà lại khéo nói đến việc đánh vào lòng người”. Ông trở thành một vị quân sư tài ba, giỏi thao lược, có nhiều đóng góp to lớn cho sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa chống lại quân xâm lược nhà Minh vào năm 1427. Trong kháng chiến, Nguyễn Trãi chủ trương phải dựa vào dân thì mới đánh được giặc, cứu được nước. Khi kháng chiến đã thắng lợi, ông cũng thấy rằng phải lo đến dân, thì mới xây dựng được đất nước. Vào thời đó, ông từng viết: “Chí những muốn, việc cố nhân đã muốn: để tâm dân chúng, mình lo trước điều thiên hạ phải lo”. Với tư tưởng “lo trước điều thiên hạ phải lo” đó ông đã tận lực giúp vua việc nước nhưng bị gian thần ghen ghét và nghi ngờ. Điều này khiến ông buồn chán và xin về ở ẩn ở Côn Sơn vào năm 1438, nhưng đến 1439, vua trẻ Lê Thái Tông lại mời ông ra giúp nước. Năm 1442, nhà vua đi duyệt võ ở Chí Linh, có ghé thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, rồi đột ngột băng hà ở Lệ Chi Viên. Nguyễn Trãi bị gian thần vu cho tội giết vua và bị xử án tru di tam tộc. Mãi đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông hạ chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng quan tước, tìm con cháu còn sót lại và bổ nhiệm làm quan.

Bên cạnh sự nghiệp chính trị, quân sự, thì Nguyễn Trãi còn được biết đến nhiều hơn cả là một bậc kỳ tài có am hiểu trong nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn thơ và địa lý. Về phương diện lịch sử, Nguyễn Trãi đã để lại một số tác phẩm như “Vĩnh Lăng thần đạo bi” là bài văn bia kể về thân thế và sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ, “Lam Sơn thực lục” kể về cuộc khởi nghĩa hơn 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn, “Chí Linh sơn phú” kể về chuyện nghĩa quân Lam Sơn rút lên núi Chí Linh lần thứ ba năm 1422, và “Băng Hồ di sự lục” viết về cuộc đời của Tư đồ Trần Nguyên Đán. Về địa lý, Nguyễn Trãi có tác phẩm  “Dư địa chí” hay còn gọi với các tên khác như “Ức Trai thi tập Nam Việt Dư địa chí”. Đây được xem là một bộ sách về địa lý cổ nhất của Việt Nam, ghi chép lại những đặc điểm về sản vật và con người Việt thời trung đại. Trong chính trị, quân sự Nguyễn Trãi có các tác phẩm rất nổi tiếng là Bình Ngô Đại cáo và Quân trung từ mệnh tập, ngoài ra còn một số các tác phẩm khác bao gồm các bài biểu, bài chiếu viết dưới hai thời vua Lê. Tác phẩm “Bình Ngô Đại Cáo” được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc, một tác phẩm chính luận xuất sắc với những luận điểm vững chắc, lập luận sắc bén và đã đạt tới trình độ nghệ thuật mẫu mực từ việc xác định đối tượng, mục đích để sử dụng bút pháp thích hợp đến kết cấu chật chẽ. Tác phẩm “Quân trung từ mệnh tập” bao gồm các thư từ gửi tướng lĩnh của giặc trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, có giá trị như các tài liệu ngoại giao, tài liệu về địch vận. Trong lĩnh vực thơ văn, Nguyễn Trãi để lại nhiều tập thơ xuất sắc viết bằng chữ Hán và chữ Nôm như “Ức Trai thi tập”, “Quốc âm thi tập” mang âm hưởng trữ tình sâu sắc, trong đó đặc biệt là “Quốc âm thi tập – tập thơ viết bằng tiếng Việt đầu tiên duy nhất còn sót lại cho đến ngày hôm nay. Nhìn chung các sáng tác thơ của Nguyễn Trãi đều tập trung thể hiện tấm lòng yêu nước, thương dân, yêu quê hương cùng với một chí khí hào hùng, một nhân cách cao thượng và một tình cảm nhân hậu đối với thiên nhiên, con người.

Nguyễn Trãi không những xứng danh là một trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam mà còn là một danh nhân văn hóa của thế giới. Ông còn được coi là một nhà kỹ trị kiệt xuất với tư tưởng lấy dân làm gốc, một tư tưởng vượt qua thời đại phong kiến của ông. Về văn chương, ông đã có đóng góp trong việc đưa vào thơ ca bác học nguồn thi liệu phong phú của tục ngữ, ca dao, dân ca và góp phần làm giàu và phong phú cho tiếng Việt.

Thuyết minh về Nguyễn Trãi – Mẫu 2

Việt Nam ta tự hào khi là đất sinh thành của ba danh nhân văn hóa thế giới được UNESSCO ghi nhận gồm Nguyễn Du, Hồ Chí Minh và Nguyễn Trãi. Trong đó, Nguyễn Trãi là nhân vật lịch sử xuất hiện sớm nhất từ thế kỷ XIV, là chính trị gia, nhà văn, nhà thơ tài giỏi của dân tộc.

Nguyễn Trãi ( 1380 – 1442), hiệu là Ức Trai, có quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Linh Sơn, lộ Lạng Giang ( nay là huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) sau đó chuyển về làng Nhị Khê ( nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Nội). Cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh, người học trò nghèo, đỗ Thái học sinh, mẹ ông là bà Trần Thị Thái, có cha là Trần Nguyên Đán làm quan tư đồ nhà Trần. Từ khi còn nhỏ, ông đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng của cha và ông ngoại là tinh thần yêu nước và thương dân, vì nhân dân. Nhưng cuộc sống hạnh phúc không kéo dài bao lâu thì năm Nguyễn Trãi sáu tuổi, mẹ ông mất, năm mười tuổi thì ông ngoại qua đời, đây cũng là lúc ông cùng cha về đất Nhị Khê sinh sống, cha làm nghề dạy học. Bối cảnh xã hội lúc bấy giờ khá rối ren khi thời Trần bị suy yếu nặng nề, Hồ Quý Ly cướp ngôi lật đổ nhà Trần, lập nên nhà Hồ song không được lòng dân. Năm 1400, Nguyễn Trãi lên kinh thi đỗ làm quan nhà Hồ dưới chức Ngự sử đài chính chưởng. Nội quốc rối ren dần bình ổn nhưng lại phải đối mặt với cuộc xâm lược của nhà Minh vào năm 1406 dưới danh nghĩa phù Trần diệt Hồ, cuối cùng nhà Hồ bị lật đổ. Cha ông Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt về nước, Nguyễn Trãi muốn theo cha song được cha khuyên, ông quay về nước một lòng muốn trả thù cho nước, đền nợ nhà. Vì thế, Nguyễn Trãi đã gia nhập cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi chỉ huy trở thành mưu sĩ và ngoại giao chính trị với giặc. Sau khi đánh thắng giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi lập ra triều Hậu Lê, Nguyễn Trãi được phong làm Nhập nội hành khiển nhưng bị vua nghi oan, không được tin dùng như trước, Nguyễn Trãi cáo quan về Côn Sơn. Đến thời vua Lê Thái Tông, ông được gọi về triều làm quan. Tuy vậy vào năm 1442, ông bị vướng vào vụ án Lệ Chi Viên, vua Lê Thái Tông chết đột ngột tại nhà Nguyễn Trãi vì thế ông bị khép tội mưu hại vua, bị tru di tam tộc. Nguyễn Trãi có năm người vợ và bảy người con nhưng chỉ có người con Nguyễn Anh Vũ may mắn sống sót qua họa tru di này. Đến thời vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi được vua xuống chiếu ân xá. Có thể nói cả đời Nguyễn Trãi luôn sống vì nước, vì dân, cống hiến tài trí của mình trong cuộc chiến chống quân Minh nhưng đến cuối cùng Nguyễn Trãi không nhận được cái kết xứng đáng.

Cái tài của Nguyễn Trãi được ông thể hiện rõ nhất qua sự nghiệp văn chương đồ sộ cả về chữ Hán và chữ Nôm trên các thể loại thi ca, chính luận,…tuy sau vụ án Lệ Chi Viên một số tác phẩm của ông đã bị thiêu hủy nhưng trong sử sách ghi chép lại những tác phẩm nổi bật của ông như về thi ca có “ Ức Trai Thi Tập”, “ Quốc Âm Thi Tập”,….. về thể loại chính luận có “Bình Ngô đại cáo”, “Quân trung từ mệnh tập” . mảng lịch sử tiêu biểu với ” Lam Sơn thực lục” về địa lý có “Dư Địa Chí”,….cùng các bài chiếu, cáo khác. Tư tưởng chủ đạo qua các tác phẩm của Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa, mệnh trời, tư tưởng nhân dân. Không chỉ vậy, con người ông chịu ảnh hưởng một phần không nhỏ bởi đạo Nho nhưng không gò bó, khuôn phép mà Nguyễn Trãi sống khoáng đạt và rộng rãi, ngoài ra ông cũng chịu ảnh hưởng bởi đạo Phật và đạo Giáo. Nghệ thuật thơ Nguyễn Trãi nổi bật với ngôn từ giản dị, gần gũi, hình ảnh thơ giàu tính ước lệ. Tác phẩm “ Bình Ngô Đại Cáo” viết về chiến thắng trước giặc Minh, thay Lê Lợi tuyên cáo với toàn thể nhân dân đã được đưa vào chương trình dạy phổ thông, thấm nhuần khí thế hào hùng, tư tưởng của Nguyễn Trãi.

Như vậy, Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử có tài mưu lược, chính trị, ngoại giao và sở hữu sự nghiệp văn chương đồ sộ nhưng cuộc đời ông bị kết thúc trong sự hàm oan, chỉ được ân xá dưới triều vua Lê Thánh Tông và được vua ca ngợi “ Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”. Dù gần 6 thế kỷ đã trôi qua, cảnh còn người mất nhưng tầm ảnh hưởng của Nguyễn Trãi vô cùng lớn và sâu sắc, luôn in đậm dấu ấn trong lòng bao thế hệ người dân Việt Nam.

Bài viết thuyết minh về Nguyễn Trãi trên đây cung cấp cho người đọc, các bạn học sinh những vốn kiến thức chính xác về nhân vật lịch sử và được trình bày dưới dạng các dàn bài, bài văn mẫu rõ ràng. Mong ràng bạn có thể tham khảo để biết cách làm và vận dụng vào các bài tương tự. Chúc các bạn thành công.

Bạn đang xem bài viết Dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu xem thêm các bài viết khác về chủ đề Ngữ văn Trung Học Phổ Thông. Chúc bạn 1 ngày vui vẻ!

Related Posts