Ngữ văn THPT: Nghị luận cho đi là còn mãi mới nhất 2023

Bạn đang xem bài viết Nghị luận cho đi là còn mãi. Hi vọng sẽ là đáp án bạn ưng ý. Cùng theo dõi nhé!

Tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận cho đi là còn mãi, giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo.

Nghị luận cho đi là còn mãi
Nghị luận cho đi là còn mãi

Dàn ý nghị luận cho đi là còn mãi

Mở bài

+) Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: “Cho đi là còn mãi”.

Thân bài

1. Giải thích

+) Không có hạnh phúc trong việc sở hữu hay đón nhận, chỉ có hạnh phúc khi cho đi

+) Cho đi sự ấm áp, giúp đỡ, yêu thương xuất phát từ tâm, từ tim của một người. Dù “cho” một điều rất nhỏ nhưng đó là cả một tấm lòng đáng quý.

+) Trao đi những điều quý giá, san sẻ những điều nhỏ nhặt chúng ta sẽ nhận lại tình yêu thương, niềm hạnh phúc, an yên trong tâm hồn và cả những sự giúp đỡ từ người khác.

2. Phân tích

Biểu hiện của người sống biết “cho đi”

+) Luôn giúp đỡ, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình “lá lành đùm lá rách”.

+) Sống yêu thương, chan hòa với những người xung quanh, không tính toán nhỏ nhen, vụ lợi.

+) Dùng tình yêu thương của mình lan tỏa những thông điệp tốt đẹp đến với mọi người.

Lợi ích của lối sống biết “cho đi”

+) Khi chúng ta yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc những mảnh đời khó khăn, bất hạnh, đau thương sẽ làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn.

+) Khi giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, vui vẻ, hạnh phúc, an yên

+) Trao yêu thương sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn.

+) Nếu mỗi chúng ta đều biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội giàu tình yêu thương, sự gắn kết, phát triển văn minh hơn.

3. Chứng minh

+) Thiếu tá Lê Hải Ninh, một đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, một chiến sỹ bộ đội đã ra đi nhưng có tới 6 bệnh nhân của cả hai miền Nam-Bắc đã được “hồi sinh” sự sống nhờ nguồn tạng được hiến từ anh.

+) Việc làm ý nghĩa này đã và đang lan tỏa, cho cuộc đời này những tấm lòng “cho đi là còn mãi”, để cuộc đời của nhiều con người có cơ hội được “nở hoa” thêm lần nữa.

4. Phản biện

+) Trong xã hội vẫn có không ít ích kỉ, nhỏ nhen, vô cảm trước những nỗi đau của người khác, chỉ biết đến bản thân mình. Những người này đáng bị phê phán.

Kết bài

Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận: “Cho đi là còn mãi” và rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Nghị luận cho đi là còn mãi

Cuộc sống của chúng ta sẽ tràn đầy ý nghĩa khi chúng ta biết san sẻ tình yêu thương với những người khác. Cuộc sống là quá trình trao tặng và đón nhận không ngừng. Giữa con người với con người luôn tồn tại một thứ tình cảm rất thiêng liêng và cao cả. Đó là tình thương. Vì vậy, đừng do dự khi mở rộng lòng mình với mọi người. Ngoài kia có rất nhiều mảnh đời bất hạnh đang cần bạn chia sẻ, trao yêu thương… Không nhiều, đôi khi, chỉ cần một ánh mắt trìu mến, một nụ cười thân thiện, hay một câu nói chân tình cũng đủ thắp sáng cả một trái tim! Hãy cho đi để thấy rằng cuộc sống thật này ý nghĩa và “Cho đi là còn mãi”.

Xung quanh chúng ta vẫn còn nhiều những mảnh đời bất hạnh. Họ cần sự giúp đỡ, sự đồng cảm và sẻ chia. Người ta thường có câu: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” bởi vậy “cho và nhận” đã trở thành quy luật của cuộc sống. Chính vì vậy, chúng ta phải biết yêu thương, quan tâm đến nhau nhiều hơn để góp phần giảm bớt những nỗi đau và những bất hạnh trong cuộc sống. Và điều quan trọng là chúng ta sẽ thể hiện điều đó như thế nào để có thể làm vơi đi những bất hạnh của chính mình và của người khác? Đơn giản chính là “Mỗi người hãy biết chia sẻ, biết cho đi, biết trao tặng những gì tốt nhất mà mình có cho người khác” để cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Thật vậy, cuộc sống chính là quá trình trao tặng và đón nhận không ngừng. “Không có hạnh phúc trong việc sở hữu hay đón nhận, chỉ có hạnh phúc khi cho đi”. Có rất nhiều thứ chúng ta có thể trao tặng cho người khác, từ của cải vật chất cho đến một lời khuyên, kinh nghiệm, lời nói chân tình, hay thậm chí chỉ là một ánh mắt thiện cảm, một nụ cười đôn hậu… Cho đi sự ấm áp, sự giúp đỡ, tình yêu thương xuất phát từ tâm, từ tim nồng cháy của một người. Dù cái “cho” đó chỉ là một điều rất nhỏ nhưng đó là cả một tấm lòng rất đáng trân quý.

Những hành động chia sẻ đó thể hiện tấm lòng yêu thương của chúng ta dành cho tất cả mọi người, dành cho những mảnh đời không được may mắn. Và chắc chắn rằng chúng ta cũng sẽ đón nhận được không ít điều tuyệt vời từ những hành động cao đẹp này.

Một bát cơm nguội bạn có thể nuốt không trôi nhưng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn thì đó lại là cả một nguồn sống. Ông cha ta có câu “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”, ý nghĩa thực chẳng sai nếu chúng ta đặt vào hoàn cảnh này. Sống yêu thương, chan hoà, hết mình với những người xung quanh với tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” chính là truyền thống từ bao đời nay của người Việt Nam ta. Có câu, một bình nước kịp thời có thể giúp người ta vượt qua cơn khát, một lời động viên có thể giúp người ta vượt qua sự ám ảnh trong quá khứ, hay là một sự hi sinh có thể cứu lấy cả vạn người. Tất cả đều mang ý lớn lao trong cuộc sống, có thể một hành động nhỏ của bạn ở hiện tại nhưng nó lại thứ to lớn đối với những người cần nó. Đôi khi cuộc sống sẽ chẳng thể cho bạn đầy đủ và ấm no mãi, vì vậy những hành động tốt đẹp của bạn ngày hôm nay chính là những căn cứ để sau này bạn nhận về những yêu thương từ người khác. Dùng tình yêu thương của mình để lan tỏa những thông điệp tốt đẹp đến với mọi người.

Ngày hôm nay chúng ta trao yêu thương thì ngày mai chúng ta cũng sẽ nhận lại được yêu thương. Cuộc sống này sẽ tốt đẹp biết bao khi con người ta luôn có chữ tâm trong mọi hành động. Sự yêu thương giúp đỡ mà chúng ta nhận lại chính là “quả ngọt” của tình yêu thương mà chúng ta đã trao đi. Cho đi để xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của những người gặp khó khăn thì xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ và ngày càng vững mạnh hơn. Hơn hết, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống này thật ý nghĩa, luôn vui vẻ, hạnh phúc, an yên để có thể tiếp tục “cho” đi. Chúng ta nên nhớ rằng: chúng ta không sống một mình, chúng ta sống với mọi người xung quanh. Vì thế không phải việc gì chúng ta cũng có thể tự mình vượt qua tất cả. Sức mạnh của sự đoàn kết là sức mạnh không gì có thể bẻ gãy được. Chính vì vậy, khi bạn làm một điều tốt như giúp đỡ người khác tức là bạn đang mang lại niềm hạnh phúc cho chính mình và mọi người. Hơn thế nữa, bạn sẽ nhận được sự kính trọng, yêu quý từ mọi người. “Cho thì hạnh phúc hơn nhận”. Vì thế, nếu gặp một ai đó đang cần giúp đỡ đừng ngại ngần đưa ra lời đề nghị: “Tôi có thể giúp bạn chứ?”. Nếu mỗi chúng ta đều biết chia sẻ yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội giàu tình yêu thương, sự gắn kết và ngày càng văn minh. Cuộc sống luôn công bằng, nếu bạn đối tốt với người này, có thể người đó không đền đáp bạn ngay lúc đó nhưng trong tương lai hoặc người khác sẽ có cơ hội đền đáp cho bạn. Vậy nên đừng ngần ngại mà cho đi khi có cơ hội…!

Sự sẻ chia luôn mang lại nhiều điều kỳ diệu cho cuộc sống. Mang những tình yêu thương của mình đến những người kém may mắn đang ở giữa ranh giới sống chết, đang chờ những giọt máu quý giá để có thể tiếp tục duy trì sự sống, làm cho họ ngày càng tin yêu vào cuộc sống, làm cho xã hội này tràn đầy tình yêu thương cao cả, bởi “Một giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại”. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng đều có thể chia sẻ và quan tâm đến người khác. Như câu chuyện đáng tự hào đó là có tới 6 bệnh nhân của cả hai miền Nam-Bắc đã được “hồi sinh” sự sống nhờ nguồn tạng được hiến từ một chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, một người Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam – Thiếu tá Lê Hải Ninh. Những phẩm chất “anh bộ đội cụ Hồ” từ anh, từ gia đình anh đã và đang lan tỏa, cho cuộc đời này những tấm lòng “cho đi là còn mãi” và “Chết không phải là chấm hết mà cuộc sống vẫn tiếp tục được nối dài.” Để cuộc đời của nhiều con người có cơ hội được “nở hoa thêm lần nữa”, không chỉ anh Ninh, mà còn có rất nhiều người đã hiến ghép nội tạng với hi vọng có thể cứu sống được nhiều người hơn. Hay những câu chuyện “nhường cơm sẻ áo” hỗ trợ tiền cùng hàng trăm suất quà, hàng chục nghìn khẩu trang vải và hàng chục tấn gạo, nhu yếu phẩm… đã được trao đến tận tay các tầng lớp lao động khốn khó. Những việc làm ý nghĩa, thiết thực ấy đã tiếp thêm động lực, giúp người dân thêm ấm lòng để cùng nhau vượt qua đại dịch Covid 19…

Hãy nhớ rằng, khi chúng ta vui vẻ và hạnh phúc thì ít nhiều cũng sẽ tạo ra được những tác động tích cực đến những người xung quanh. “Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều”. Và kỳ diệu thay, người đầu tiên nhận được sự cho đi của bạn không ai khác đó chính là bản thân bạn. Đâu ai có thể tồn tại một mình mà không có những người bạn đồng hành, không có sự đồng cảm sẻ chia. Khi chúng ta có sự chia sẻ và quan tâm lẫn nhau thì cả người trao lẫn người nhận đều có được những “tặng phẩm” quý giá nhất của cuộc đời. Sự sẻ chia, cho đi góp phần làm cho nhân cách mỗi cá nhân trở nên hoàn thiện hơn. Những hành động cao cả sẽ đọng mãi nơi ký ức tốt đẹp của mỗi người, gia đình và cả xã hội, còn niềm đau sẽ vơi đi và dần bị lãng quên theo lớp bụi của thời gian. Sự chia sẻ luôn mang lại niềm vui, hạnh phúc, sức khỏe, và thậm chí là cả sự sống cho con người. Chỉ cần chúng ta thành tâm thì sẽ không bao giờ cảm thấy mất đi khi chia sẻ những gì mình có với người khác, bởi vì “cho đi là còn mãi”! Bạn sẽ chọn nghĩ gì cho ngày hôm nay? Bạn có chọn yêu thương? Và bạn có muốn bắt đầu ngày mới tràn đầy năng lượng yêu thương với một tấm lòng: “Yêu thương cho đi là yêu thương còn mãi”.

Bạn đang xem bài viết Nghị luận cho đi là còn mãi xem thêm các bài viết khác về chủ đề Ngữ văn Trung Học Phổ Thông. Chúc bạn 1 ngày vui vẻ!

Related Posts