Ngữ văn THPT: Dàn ý và bài văn mẫu mới nhất 2023

Bạn đang xem bài viết Dàn ý và bài văn mẫu. Hi vọng sẽ là đáp án bạn ưng ý. Cùng theo dõi nhé!

Thể thơ thất ngôn bát cú là loại thơ mỗi bài có tám câu và mỗi câu bảy chữ, tức một bài sẽ có 56 chữ. Thể thơ có nguồn gốc từ Trung Quốc và được những cây bút quý tộc sử dụng. Bài viết sau đây Cấp Nước Lào Cai sẽ giúp độc giả thuyết minh về thể thơ này thông qua dàn ý và một số bài văn mẫu chọn lọc thuộc chương trình ngữ văn lớp 8.

Thể thơ thất ngôn bát cú

Dàn ý thuyết minh chi tiết

Mở bài

– Giới thiệu về thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật: Xuất hiện từ đời Đường – Trung Quốc và được thâm nhập vào Việt Nam từ rất lâu.

Thân bài

– Gồm tám câu, mỗi câu bảy chữ, có quy luật nghiêm khắc về luật, niêm và vần và thường có bố cục rõ ràng.

– Đều được làm theo thanh bằng, tức là luật bằng thanh bằng và luật trắc thanh bằng. Luật bằng thanh bằng là bài thơ mà tiếng thứ hai của câu đầu là tiếng bằng và các tiếng ở cuối các câu một-hai-bốn-sáu-tám phải cùng thanh với nhau và đều là thanh bằng còn luật trắc thanh bằng là bài thơ mà tiếng thứ hai của câu đầu là tiếng trắc và các tiếng ở cuối các câu một-hai-bốn-sáu-tám phải cùng thanh với nhau và phải là thanh bằng.

– Luật (hay luật bằng trắc) là cách sắp xếp các thanh bằng, trắc theo quy định “nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh” và xen kẽ nhau.

– Niêm là sự liên lạc về âm luật của hai câu thơ trong bài thơ đường luật. Hai câu thơ được gọi là niêm với nhau khi chữ thứ hai, tư, sáu của hai câu cùng thanh (bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc). Câu một luôn luôn niêm với câu tám, câu hai niêm với câu ba, câu bốn với câu năm, câu sáu với câu bảy.

– Gieo vần thì theo lối “độc vận”, có nghĩa là cả bài chỉ hiệp theo một vần, tức là vần ở cuối các câu một-hai-bốn-sáu-tám phải hiệp vần với nhau (gọi là vần chân).

– Bố cục và phép đối của thể thơ thất ngôn bát cú: bốn phần: đề – thực – luận – kết.

– Hai câu đầu tiên gọi là hai câu đề

– Hai câu tiếp theo được gọi là hai câu thực: hai câu này là đối nhau cả về thanh và về nghĩa

– Hai câu 5 và 6 là hai câu luận, yêu cầu cũng đối nhau cả về thanh và nghĩa, tương tự như hai câu thực ở trên.

– Hai câu cuối cùng (7 và 8) là hai câu kết, không yêu cầu đối nhau.

– Nhịp của thể thơ, thường phổ biến là 3 / 4 và 4 / 3 hoặc có thể 2 / 2 / 3 và 3 / 2 / 2.

– Nói thêm một loại khác của thể thơ thất ngôn bát cú: Cổ phong

– Trong quá trình làm, nên lấy các ví dụ từ các bài thơ đã biết để minh họa.

Kết bài

– Khái quát hóa thể thơ thất ngôn bát cú.

Thuyết minh về thể thơ thất ngôn bát cú – Mẫu 1

Khi nghĩ về việc làm thơ, mọi người thường nghĩ: “Ôi khó quá, như hái sao trên trời”. Tất nhiên là khó rồi nhưng có cách nào để học cách làm thơ không? Theo mình mạo muội nghĩ là có. Đó là chúng ta đầu tiên hãy học cách làm thơ theo các thể loại thơ mà có niêm luật chặt chẽ. Một trong những thể thơ có niêm luật chặt chẽ nhất là thể thơ thất ngôn bát cú đường luật. Thể thơ thất ngôn bát cú đầu tiên xuất hiện sớm ở Trung Quốc. Đến đời nhà Đường, mới được các nhà thơ đặt quy định cụ thể, rõ ràng nên nó mới được gọi là thất ngôn bát cú Đường luật. Trong thời phong kiến, thể thơ này đã được các đời vua Trung Quốc và Việt Nam dùng cho việc thi cử tuyển chọn nhân tài, được các nhà thơ Việt Nam rất ưa chuộng và chiếm một vị trí quan trọng trong nền văn học trung đại.

Mỗi bài thơ theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật gồm có tám câu và mỗi câu có bảy chữ, tổng cộng toàn bài là năm mươi sáu chữ, có quy luật nghiêm khắc về luật, niêm và vần và thường có bố cục rõ ràng. Thông thường thơ thất ngôn bát cú Đường luật đều được làm theo thanh bằng, tức là luật bằng thanh bằng và luật trắc thanh bằng. Luật bằng thanh bằng là bài thơ mà tiếng thứ hai của câu đầu là tiếng bằng và các tiếng ở cuối các câu một-hai-bốn-sáu-tám phải cùng thanh với nhau và đều là thanh bằng còn luật trắc thanh bằng là bài thơ mà tiếng thứ hai của câu đầu là tiếng trắc và các tiếng ở cuối các câu một-hai-bốn-sáu-tám phải cùng thanh với nhau và phải là thanh bằng. Luật (hay luật bằng trắc) là cách sắp xếp các thanh bằng, trắc theo quy định “nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh” có nghĩa là tiếng thứ nhất, thứ ba và thứ năm là tùy ý còn tiếng thứ hai, thứ tư và thứ sáu là phải theo luật và xen kẽ nhau. Tức là nếu tiếng thứ hai là thanh bằng thì tiếng thứ tư là thanh trắc, tiếng thứ sáu thanh bằng và dòng tiếp theo thì ngược lại (nếu câu đầu là bằng – trắc – bằng thì câu kế tiếp sẽ là trắc – bằng – trắc). Điều này đã tạo nên âm điệu, cân đối cho bài thơ làm lời thơ cứ du dương như một bản tình ca. Ví dụ như hai câu thơ trong bài thơ:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

B………..T…………. B…………

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

T…………… B……… T……..

(Thu điếu –Nguyễn Khuyến).

Niêm là sự liên lạc về âm luật của hai câu thơ trong bài thơ đường luật. Hai câu thơ được gọi là niêm với nhau khi chữ thứ hai, tư, sáu của hai câu cùng thanh (bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc). Câu một luôn luôn niêm với câu tám, câu hai niêm với câu ba, câu bốn với câu năm, câu sáu với câu bảy. Ví dụ:

“Ta nhớ người xa cách núi sông

Người xa, xa lắm, nhớ ta không?

Sao đang vui vẻ ra buồn bã!

Vừa mới quen nhau đã lạ lùng!

Lúc nhớ nhớ cùng trong mộng tưởng

Khi riêng riêng cả đến tình chung

Tương tư lọ phải là mưa gió

Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng.”

(Nhớ bạn phương trời –Tú Xương)

Trong bài này, câu 1 có các tiếng thứ hai, tư, sáu gồm “nhớ” – “xa” – “núi” (T-B-T) niêm với tiếng hai, tư, sáu ở câu 8 gồm “ngọn” – “xanh” – “điểm” (cũng là T-B-T). Tương tự như thế, ở câu hai có các tiếng: “xa”- “lắm”- “ta” (B-T-B) niêm với các tiếng ở câu 3″đang”- “vẻ”- “buồn” (cũng là B-T-B), cứ thế niêm cho đến hết bài.

Về cách gieo vần thì theo lối “độc vận”, có nghĩa là cả bài chỉ hiệp theo một vần, tức là vần ở cuối các câu một-hai-bốn-sáu-tám phải hiệp vần với nhau (gọi là vần chân). Ví dụ:

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên, hai nợ, âu đành phận,

Năm nắng, mười mưa, dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:

Có chồng hờ hững cũng như không!

(Thương vợ – Tú Xương)

Các tiếng “sông” vần với các chữ khác “chồng” “đông” “công” “không” – đều có cùng một vần “ông”. Tuy nhiên, vần trong bài thơ cũng thoáng hơn để nhằm bộc lộ tâm trạng, khí phách của nhà thơ.

Về bố cục và phép đối của thể thơ thất ngôn bát cú, để cho dễ hiểu ta hãy xem bài thơ Qua Đèo Ngang dưới đây:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen lá, đá chen hoa

Lom khom dưới núi, tiều vài chú

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Dừng chân đứng lại, trời non nước

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

(Bà Huyện Thanh Quan)

Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật có bố cục được chia thành bốn phần: đề – thực – luận – kết. Hai câu đầu tiên gọi là hai câu đề dùng để mở bài, giới thiệu. Hai câu tiếp theo được gọi là hai câu thực dùng để miêu tả, yêu cầu của hai câu này là đối nhau cả về thanh (bằng đối trắc hoặc ngược lại) và về nghĩa (Lom khom – Lác Đác, dưới núi – bên sông, tiều vài chú – chợ mấy nhà). Hai câu năm và sáu là hai câu luận dùng để suy luận mở rộng cảm xúc, yêu cầu cũng đối nhau cả về thanh và nghĩa, tương tự như hai câu thực ở trên. Hai câu cuối cùng (bảy và tám) là hai câu kết (kết luận), không yêu cầu đối nhau.

Cuối cùng ta xét đến cách ngắt nhịp của thể thơ, thường phổ biến là 3 / 4 và 4 / 3 hoặc có thể 2 / 2 / 3 và 3 / 2 / 2. Cách ngắt nhịp tạo nên một nhịp điệu êm đềm và dễ ngâm, dễ thưởng thức. Chẳng hạn như:

Đã bấy lâu nay / bác tới nhà,

Trẻ thì đi vắng, / chợ thời xa.

                                               (Nguyễn Khuyến)

Ngoài thất ngôn bát cú Đường luật như trên thì còn có thể thất ngôn bát cú Cổ phong, thể thơ này không theo quy luật rõ ràng, có thể dùng một vần (độc vận) hay nhiều vần (liên vận) nhưng vần vẫn phải thích ứng với quy luật âm thanh, có nhịp bằng trắc xen nhau cho dễ đọc.

Qua vài dòng trên đây ta đã hiểu thế nào là một bài thơ làm theo thể thất ngôn bát cú, chúng ta có thể thấy rằng chính những luật và cấu trúc kia đã tạo ra một điều đặc sắc, một cái riêng không thể nhầm lẫn đối với thể thơ này. Tuy nhiên sau này nhiều nhà thơ như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lũ … đã cách tân thể thơ này bằng cách phá vỡ cấu trúc vần, đối để thể hiện tư tưởng tình cảm của mình.

Bạn đang xem bài viết Dàn ý và bài văn mẫu xem thêm các bài viết khác về chủ đề Ngữ văn Trung Học Phổ Thông. Chúc bạn 1 ngày vui vẻ!

Related Posts