Ngữ văn THPT: Dàn ý và các bài văn mẫu chọn lọc mới nhất 2023

Bạn đang xem bài viết Dàn ý và các bài văn mẫu chọn lọc. Hi vọng sẽ là đáp án bạn ưng ý. Cùng theo dõi nhé!

Lục bát là thể thơ của Việt Nam và được các tác giả sử dụng phổ biến để gieo vần. Ở bài viết này, Cấp Nước Lào Cai sẽ giúp độc giả tìm hiểu chi tiết cách thuyết minh thể thơ lục bát thông qua dàn ý và một số bài văn mẫu chọn lọc thuộc chương trình ngữ văn 8.

Dàn ý chi tiết

Mở bài

– Giới thiệu khái quát về thể thơ lục bát. (do người Việt tạo ra, quen thuộc với mỗi người dân Việt).

Thân bài

1. Các đặc điểm của thể thơ lục bát

– Lục bát chỉnh thể – (tuân đúng những quy định)

– Số câu, số tiếng:

  • Bao gồm một cặp câu: câu lục (6 tiếng) và câu bát (8 tiếng).
  • Số câu trong một bài thơ lục bát không bị hạn định, ít nhất là hai nhiều có thể kéo dài đến hàng ngàn câu.

– Cách gieo vần:

  • Âm tiết cuối của dòng sáu hiệp vần với âm tiết thứ sáu của dòng tám theo từng cặp. Âm tiết cuối của dòng tám lại hiệp vần với âm tiết thứ sáu của dòng sáu nối tiếp. Cứ thế luân chuyển như vậy cho đến hết bài.
  • Vần cuối dòng là vần chân, vần ở giữa dòng là vần lưng.

– Phối thanh:

  • Chỉ bắt buộc: các tiếng thứ tư phải là trắc; các tiếng thứ hai, sáu, thứ tám phải là bằng.
  • Những câu tám tiếng thì tiếng thứ sáu và tiếng thứ tám phải khác dấu (nếu tiếng trước là dấu huyền thì tiếng sau phải không có dấu và ngược lại).
  • Các tiếng thứ một, ba, năm, bảy của cả hai câu sáu tiếng, tám tiếng và âm tiết thứ hai (của cả hai câu) có thể linh động tuỳ ý về bằng trắc

Nhịp trong thơ lục bát: Cách ngắt nhịp: thường là nhịp chẵn.

2. Lục bát biến thể (không tuân thủ quy tắc)

– Số chữ tăng lên.

– Phối thanh: Tiếng thứ hai, thứ tư, thứ sáu có thể là thanh trắc.

– Gieo vần: Vần lưng có thể xê dịch

2. Tác dụng của thơ lục bát

– Cách gieo vần và phối thanh, ngắt nhịp giản dị mà biến hoá vô cùng linh hoạt, phong phú và đa dạng làm cho thơ lục bát dồi dào khả năng diễn tả, dễ đọc dễ ngâm.

Kết bài

– Khái quát chung về thơ lục bát. Nhấn mạnh thơ lục bát có sức sống mãnh liệt trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam.

Thuyết minh về thể thơ Lục Bát – Mẫu 1

Khi còn nhỏ tôi từng nghe đi nghe lại lời ru của mẹ, của người dân xứ Huế:

“Ru em, em ngủ cho muồi

Để mẹ đi chợ mua vôi têm trầu

Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu

Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh”.

(Dân ca Bình Trị Thiên)

Bạn có biết những câu thơ trên thuộc thể loại thơ gì không? Tất nhiên là biết rồi, đó là câu hỏi rất thừa vì thơ lục bát – một thể loại thơ mang đậm màu sắc dân tộc – đã ngấm vào tim óc, làm nên đời sống tâm hồn phong phú của mỗi người dân Việt Nam.

Khác với các thể thơ Đường luật khác, thể thơ lục bát do chính người dân Việt tạo ra. Nó xuất hiện nhiều trong ca dao, dân ca và lời ru của người dân Việt Nam từ xưa và được phát triển khi xuất hiện văn học chữ Nôm mà đỉnh cao của nó là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Các nhà thơ hiện đại ngày nay như  Nguyễn Bính, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa, Đồng Đức Bốn… vẫn tiếp tục dùng, hoàn chỉnh và phát triển thơ lục bát giúp nó giữ một vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại bởi vì thể thơ lục bát rất giản dị về quy luật, dễ làm, dễ ngâm và dễ bộc lộ những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tâm hồn con người.

Đầu tiên, chúng ta hãy xét về cấu tạo của thơ lục bát chỉnh thể, nó bao gồm một cặp câu: câu lục (6 tiếng) và câu bát (8 tiếng). Số câu trong một bài thơ lục bát không bị hạn định, ít nhất là hai nhiều có thể kéo dài đến hàng ngàn câu như Truyện Kiều của Nguyễn Du (3254 câu). Thể thơ lục bát vừa gieo vần chân, vừa gieo vần lưng, tiếng cuối cùng của câu lục gieo vần xuống tiếng thứ sáu câu bát (vần lưng), tiếng thứ tám câu bát gieo với tiếng cuối câu lục tiếp theo (vần chân). Có thể lấy bốn câu thơ trong một bài ca dao quen thuộc làm ví dụ:

“Áo anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu

Áo anh sứt chỉ đã lâu

Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng”

(Ca dao)

Như ta thấy ở trên, câu thơ cuối của câu lục kết thúc là chữ “tà” thì trong câu thơ thứ tám của câu bát được hiệp vần bằng từ “già”. Tương tự, câu bát kết thúc bằng vần “âu” thì câu cuối của câu lục lại được hiệp vần bằng từ “lâu”. Nhờ đảm bảo những quy tắc trên mà những câu thơ lục bát đọc lên rất dễ nhớ, dễ ngâm, dù đọc một lần thì người đọc cũng có thể nhớ để đọc lại.

Quy luật phối thanh của thơ lục bát khá đơn giản, cũng như thơ Đường luật, nó tuân thủ quy tắc nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh. Nghĩa là các tiếng thứ 1, 3, 5 trong câu có thể tự do về thanh, nhưng các tiếng thứ 2, 4, 6 thì phải theo luật chặt chẽ, đó là: Câu lục có tiếng thứ hai – tư – sáu là bằng – trắc – bằng còn câu bát có tiếng thứ hai – tư – sáu – tám là bằng – trắc – bằng – bằng. Ví dụ như:

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.

Cấy cày giữ nghiệp nông gia,

Ta đây, trâu đấy, ai mà quản công!

                                                                              (Ca dao)

Ngoài ra trong câu tám các tiếng thứ sáu thứ tám dù đều là thanh bằng nhưng phải khác dấu, nếu trước là dấu huyền thì sau phải là không dấu hoặc ngược lại:

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

(Ca dao)

Nhịp trong thơ lục bát thông thường là ngắt nhịp chẵn, mỗi nhịp hai tiếng hoặc bốn tiếng, tạo ra những vần thơ êm dịu, êm đềm. Ví dụ:

Anh đi / anh nhớ / quê nhà

Nhớ canh / rau muống / nhớ cà / dầm tương

Nhớ ai / dãi nắng / dầm sương

Nhớ ai/ tát nước / bên đường / hôm nao.

(Ca dao)

Nhưng khi cần biểu đạt một nội dung tư tưởng tình cảm nhất định nào đó mà không cần phải êm đềm nữa, người ta có thể biến đổi nhịp thơ cho thích hợp. Ví dụ hai câu thơ trích trong Truyện Kiều:

Đau đớn thay / phận đàn bà

Lời rằng / bạc mệnh / cũng là / lời chung.

(Truyện Kiều)

Ngoài dạng lục bát chỉnh thể như trên, còn có dạng lục bát biến thể bằng cách thêm bớt một số tiếng hoặc xê dịch về cách hiệp vần hay phối thanh. Ví dụ:

“Năm quan đổi lấy miệng cười

Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen

Răng đen ai khéo nhuộm cho mình

Để duyên mình đẹp cho tình anh mê.”

(Ca dao)

Trường hợp gieo vần thì như câu ca dao dưới đây:

“Con vua thì được làm vua

Con sãi ở chùa, thì quét lá đa.”

(Ca dao)

Tiếng thứ sáu của câu lục lại vần với tiếng thứ tư của câu bát, tuy vậy đọc lên vẫn thấy du dương. Hoặc về phối thanh có thể tự do về tiếng thứ hai thứ tư hay thứ sáu của câu lục hay câu bát, có thể biến nó thành thanh trắc. Ví dụ:

“Có xáo thì xáo nước trong (T – T – B)

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con” (T – T – B – B)”

(Ca dao)

Hay:

“Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non” (T – B – T – B)

(Ca dao)

Hay:

“Tò vò mà nuôi con nhện (B – B –T)

Đến khi nó lớn nó quện nhau đi (B – T – T – B)

Tò vò ngồi khóc tỉ ti

Nhện ơi, nhện hỡi! Nhện đi đằng nào?”

(Ca dao)

Cái hay, cái đẹp của thơ lục bát là làm bật lên được sự giàu và đẹp của tiếng Việt. Với cách gieo vần, phối thanh, ngắt nhịp đơn giản và sự biến hóa linh hoạt, thơ lục bát dễ nhớ, dễ ngâm và dễ tiếp cận trái tim của tất cả mọi người. Điều quan trọng là thơ lục bát thể hiện tâm trạng với nhiều sắc thái khác nhau của nhân vật trữ tình, có thể dùng để bày tỏ nỗi lòng, tâm trạng của mình trong cuộc sống, sinh hoạt, tình yêu…

Tóm lại, thơ lục bát mặc dù là một thể thơ truyền thống nhưng vẫn chiếm được vị trí quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc, vẫn có sức sống mãnh liệt trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam.

Bạn đang xem bài viết Dàn ý và các bài văn mẫu chọn lọc xem thêm các bài viết khác về chủ đề Ngữ văn Trung Học Phổ Thông. Chúc bạn 1 ngày vui vẻ!

Related Posts