Ngữ văn THPT: Dàn ý và các bài văn mẫu chọn lọc mới nhất 2023

Bạn đang xem bài viết Dàn ý và các bài văn mẫu chọn lọc. Hi vọng sẽ là đáp án bạn ưng ý. Cùng theo dõi nhé!

Ngô Tử Văn là nhân vật chính trong tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” của tác giả Nguyễn Dữ. Bài viết sau đây, Cấp Nước Lào Cai sẽ giúp bạn đọc thuyết minh về Ngô Tử Văn thông qua dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu chọn lọc theo chương trình ngữ văn 10.

Dàn ý thuyết minh về Ngô Tử Văn

Mở bài

– Giới thiệu nhân vật Ngô Tử Văn: Ngô Tử Văn là nhân vật chính trong tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” trích trong tập truyện “Truyền kỳ mạn lục” của tác giả Nguyễn Dữ

Thân bài

1. Lai lịch, tính cách

– Lai lịch nhân vật Ngô Tử Văn: tên là Soạn, người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang.

– Tính cách: Cương trực, nóng nảy, luôn bất bình trước cái ác.

2. Hành động của nhân vật Ngô Tử Văn

– Hành động đốt đền.

– Nguyên nhân: Do Ngô Tử Văn bất bình với sự tác yêu, tác quái của tên tướng giặc họ Thôi ở trong đền.

– Quá trình đốt đền:

  • Ngô Tử Văn đã dám “đốt đền” – là hành động theo tín ngưỡng dân gian là tội báng bổ thần thánh, việc làm không ai dám làm.
  • Trước khi đốt, Ngô Tử Văn đã tắm rửa sạch sẽ, khấn vái thần linh, trời đất. Vì vậy hành động đốt đền này xuất phát từ sự cương trực, nghiêm túc, không xúc phạm đến thần linh.
  • Ý nghĩa việc đốt đền: Dám đứng lên chống lại cái ác, ca ngợi hành động chính nghĩa.

3. Những sự kiện sau khi đốt đền

– Ngô Tử Văn về nhà cảm thấy khó chịu trong người, cơ thể run lên từng đợt. Sau đó, Ngô Tử Văn đã có màn đối thoại với tướng giặc họ Thôi, thổ công và Diêm Vương.

– Đối với tướng giặc: Tử Văn không đáp lại, ngồi ung dung.trước những lời dọa dẫm của họ Thôi.

– Ngô Tử Văn là người can đảm, không bị khuất phục.

– Đối với thổ công: Thổ công đã kể lại toàn bộ câu chuyện, dặn dò cách đối phó với tên tướng giặc.

– Đối với Diêm Vương: Khi bị tướng giặc có những lời vu cáo xảo quyệt, lời quát mắng của Diêm Vương nhưng không hề sợ hãi, nao núng. Luôn bình tĩnh đưa ra những bằng chứng thuyết phục để làm rõ hành động của mình là đúng đắn.

– Cuối cùng Ngô Tử Văn đã được xử thắng kiện, được giao giữ chức phán sử đền Tản Viên. Đây là kết quả xứng đáng cho hành động của Ngô Tử Văn; cái thiện luôn chiến thắng trước cái ác.

Kết bài

– Nêu cảm nghĩ về nhân vật Ngô Tử Văn của bản thân một cách khái quát.

Thuyết minh về nhân Vật Ngô Tử Văn – Mẫu 1

Khi còn nhỏ, tôi cứ tưởng chỉ những nhà văn hiện đại mới viết thể loại truyện ly kỳ, truyện ma. Thực tế thì không phải vậy. Bạn có biết nhà văn Việt Nam thời xưa nào mà viết về thể loại này không? Đó là nhà văn Nguyễn Dữ với tập truyện “Truyền kỳ mạn lục” nổi tiếng. Một trong những tác phẩm tiêu biểu và đặc sắc trong tập truyện đó là tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”. Truyện kể về nhân vật Ngô Tử Văn – một anh chàng áo vải, rất dũng cảm và cứng cỏi, dám chống lại cái ác đến cùng, tính cách này được thể hiện qua hành động đốt cháy đền tà, chống lại yêu quỷ, rửa mối hận cho thần Thổ địa và nhân dân.

Ngô Tử Văn – nhân vật chính của câu chuyện được tác giả giới thiệu ngay từ phần đầu của tác phẩm, giúp ta hiểu được phần nào về lai lịch và tính cách của chàng: “Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang. Chàng vốn khẳng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được, vùng bắc người ta vẫn khen là một người cương phương”. Minh chứng rõ ràng cho tính cách này của Ngô Tử Văn là hành động đốt đền tà của chàng. Khi nghe tin ngôi đền trong làng bị yêu quái tên Bách họ Thôi – một tên giặc tử trận gần đấy rồi biến thành yêu quái – quấy nhiễu, với tính tình nóng nảy và cương trực, không chịu đứng nhìn cái ác đang hoành hành, Tử Văn “rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt đền”. Qua đây ta thấy hành động đốt đền của Ngô Tử Văn hoàn toàn không phải là sự bộc phát của sự nóng nảy nhất thời hay coi thường thần linh mà xuất phát từ tấm lòng nhân nghĩa, vì nhân dân mà ra tay trừng trị, diệt trừ cái ác bởi vì trước khi châm lửa đốt đền, Ngô Tử Văn đã tắm rửa sạch sẽ, khấn trời – thể hiện sự thành kính với bậc thánh thần – một nhân sinh quan của người dân thời đó. Từ đây, ta cũng thấy, Ngô Tử Văn là người rất gan dạ, rất có trách nhiệm, bởi sau khi đốt đền thì ai nấy đều lo sợ cho chàng nhưng bản thân chàng lại không hề quan tâm: “Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, họ lo sợ thay cho Tử Văn, nhưng Tử Văn vung tay, không cần gì cả”. Hành động này chứng tỏ cốt cách ngang tàng, quật cường của một kẻ sĩ khác với những phường giá áo túi cơm. Sau khi đốt đền, thấy “trong mình khó chịu, đầu chao đảo và bụng run run, rồi nổi lên một cơn sốt nóng sốt rét”, Ngô Tử Văn vẫn không lo sợ, trong cơn mơ nói chuyện với hồn ma tên tướng giặc đã bị chàng đốt đền, mặc dù đang bị sốt nhưng không vì thế mà làm giảm đi sự can trường, gan dạ của mình. Trước những lời vu oan của tên yêu quái cho rằng việc chàng đốt đền “khiến cho hương lửa không có chỗ tựa nương, oai linh không có nơi hiển hiện”, đồng thời hắn còn đe dọa chàng “sẽ khó lòng tránh khỏi tai vạ” nhưng Ngô Tử Văn đã thể hiện sự cứng cỏi, ngang tàng của mình qua hành động “mặc kệ” và “ngồi ngất ngưởng tự nhiên”. Phần tiếp theo của câu chuyện là có một ông già, áo vải mũ đen, phong độ nhàn nhã đến nhà Tử Văn tự xưng là Thổ Công. Ông đến để kể đầu đuôi sự tình về việc làm ngang ngược của tên tướng giặc cho Tử Văn nghe. Rồi cả hai cùng nhau bàn tính giải pháp để vạch trần bộ mặt gian xảo của tên tướng giặc. Bệnh của chàng càng ngày càng nặng, rồi chàng thấy mình bị hai tên quỷ sứ đến bắt xuống địa ngục. Dẫu biết rằng mình sắp phải đối mặt với những hình phạt ghê rợn của thế giới âm phủ nhưng với tinh thần khẳng khái, can trường của mình, chàng kêu to khẳng định: “Ngô Soạn là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo cho, không nên bắt phải chết một cách oan uổng”. Mặc dù đối diện với Diêm Vương, đại diện cho thế lực quyền uy nhất nhưng Tử Văn vẫn kiên quyết tâu trình một cách thật rõ ràng, bởi trong tâm chàng đã có một niềm tin về công lý lẽ phải, niềm tin chính nghĩa bao giờ cũng thắng gian tà. Trước những lời vu oan giá họa của hồn ma tên tướng giặc, Ngô Tử Văn xin Diêm Vương cho người đến đền Tản Viên để xác minh, điều này đã làm hắn lo sợ và thay đổi thái độ: “xin đại vương khoan tha cho hắn để tỏ cái đức rộng rãi”. Cuối cùng, chứng thực được những điều Tử Văn nói đều là sự thật, không gian dối nửa lời, Diêm Vương tức giận cho người đày tên tướng giặc kia xuống tận ngục Cửu U chịu tội, còn đối với Ngô Tử Văn, chàng được ban chức Phán sự ở đền Tản Viên. Chiến thắng của Ngô Tử Văn là chiến thắng của công lý, của cái thiện luôn luôn chiến thắng cái ác, một quan niệm đầy tính nhân văn của người xưa nói chung và của tác giả nói riêng, vẫn còn mang tính đúng đắn cho đến bây giờ.

Ngô Tử Văn với cuộc chiến đấu chống lại cái ác một cách ngoan cường của mình là một tấm gương phản chiếu nhân cách cao đẹp, bản lĩnh cứng cỏi, của một người quân tử đương thời. Nhân vật Ngô Tử Văn thông qua bút pháp kỳ ảo xen lẫn hiện thực của tác giả Nguyễn Dữ vẫn luôn sống mãi trong lòng bạn đọc, vẫn luôn cổ vũ thôi thúc người trí thức hành động quyết liệt để công bằng, chính nghĩa sẽ tồn tại vĩnh hằng, vĩnh cửu ở mọi thời đại.

Bạn đang xem bài viết Dàn ý và các bài văn mẫu chọn lọc xem thêm các bài viết khác về chủ đề Ngữ văn Trung Học Phổ Thông. Chúc bạn 1 ngày vui vẻ!

Related Posts